Top 10 doanh nhân ảnh hưởng lớn trên thị trường bất động sản 2017

Thảo luận trong 'Tin tức - Thị trường bất động sản' bắt đầu bởi TNPC, 25/1/18.

  1. TNPC
    2017 được xem là năm thành công của thị trường bất động sản với việc giá cả lẫn doanh số bán ra đều tăng mạnh. Để có được những thành công đó không thể không nhắc đến những doanh nhân trên thị trường bất động sản. Những con người đã gầy dựng các đế chế kinh doanh trong lĩnh vực này và góp phần tạo nên những thành công của thị trường trong suốt thời gian qua.

    Trước sự kiện đó, CafeLand bình chọn 10 doanh nhân có ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường bất động sản năm 2017. Các doanh nhân được bình chọn không hẳn là những người giàu nhất mà là người đang nắm vị trí chủ chốt tại những doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường bất động sản.​

    ong-pham-nhat-vuong-copy-1516871645.png
    1. Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC)

    Sở hữu: 723.969.134 cổ phiếu, tỷ lệ 27,45% tại VIC

    Gián tiếp sở hữu 817.507.398 cổ phiếu VIC, tỷ lệ 92,88% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam

    Giá trị tài sản hiện tại: 131.026 tỷ đồng

    Năm 2013, ông Vượng được Forbes công nhận là tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam với tài sản đạt 1,5 tỷ USD. Mới đây theo ước tính của Forbes tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã cán mốc 4,2 tỷ USD và tỷ phú này đã vào danh sách 500 người giàu nhất thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên một tỷ phú người Việt gia nhập nhóm 500 người giàu nhất thế giới.

    Tài sản của ông chủ Vingroup tăng nhanh chính là nhờ đà tăng của cổ phiếu VIC trên sàn chứng khoán. Trong những tháng cuối năm 2017, những thông tin như Vincom Retail (công ty quản lý các trung tâm thương mại của Vingroup) lên sàn, khánh thành nhà máy sản xuất ôtô Vinfast đã giúp thị giá của VIC tăng liên tục trong hàng chục phiên liên tiếp.

    Là một doanh nghiệp chuyên đầu tư dòng sản phẩm bất động sản cao cấp, Tập đoàn Vingrgoup đang thực hiện hàng loạt siêu dự án như Vinhomes Central Park, Vinhomes Golden River, Vinhomes Nguyễn Chí Thanh. Chính vì vậy vào năm 2016, Vingroup bất ngờ công bố đầu tư dòng sản phẩm bất động sản đại chúng mang thương hiệu VinCity với giá từ 700 triệu đồng/căn đã gây nhiều bất ngờ, hứa hẹn cho thị trường.

    Hiện Vingroup là một tập đoàn đa ngành với các ngành mới như Công nghiệp nặng (Sản xuất ô tô), Đào tạo bóng đá… và đang xây dựng một “hệ sinh thái” khép kín, hoàn thiện. Tuy nhiên, ngành chủ lực của Công ty vẫn ngành kinh doanh bất động sản với 3 mảng đứng số 1 Việt Nam là bất động sản nhà ở, bất động sản thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng.

    ong-trinh-van-quyet-1516870501.jpg
    2. Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC, FLC Faros (FLC, ROS)

    Sở hữu: 144.650.250 cổ phiếu, chiếm 21,19% tại FLC; 318.514.630 cổ phiếu, chiếm 67,34% tại ROS; 2.630.000 cổ phiếu, tỷ lệ 8,47% tại ART

    Giá trị tài sản hiện tại: 54.769 tỷ đồng

    Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975, vốn là một luật sư, ông Quyết đã rẽ ngang sang lĩnh vực bất động sản vào 2008 với việc thành lập FLC Group. Chỉ sau 10 năm phát triển, FLC được xem là một doanh nghiệp có những bức phá ấn tượng. FLC đã chọn M&A là công cụ để đưa tập đoàn này trở thành một “ông lớn” thực sự trong ngành bất động sản, khi liên tiếp thâu tóm hàng loạt dự án lớn.

    Cuối năm 2013, khi thị trường đang gặp nhiều khó khăn, FLC đã chi 3.500 tỷ đồng mua lại dự án Alaska Garden City, sau đó đổi tên thành FLC Garden City. Tiếp đó, tập đoàn này mua thêm hai dự án khác là Ion Complex Tower (đổi tên thành FLC Complex Tower) và The Lavender (đổi tên thành FLC Star Tower).

    Không chỉ đẩy mạnh M&A dự án tại Hà Nội, FLC còn tăng cường đầu tư sang bất động sản thương mại dịch vụ như khu resort cao cấp Vĩnh Thịnh tại Vĩnh Phúc, đại dự án phức hợp gồm sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Samson Golf Links (Sầm Sơn, Thanh Hóa) với tổng vốn đầu tư lên đến 5.500 tỷ đồng. Ngoài ra FLC còn đầu tư quần thể sân golf, resort, Biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn nằm trên diện tích gần 1.300 ha, ôm trọn địa danh Eo Gió.

    Kinh qua nhiều thương vụ lớn và cái tên của ông Trịnh Văn Quyết càng nổi bật khi mà FLC Faros (tiền thân là CTCP Xây dựng Faros) niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 9/2016 và sở hữu đà tăng phi mã hàng chục phiên liên tục. Cổ phiếu ROS đã đưa ông Quyết có thời điểm trở thành doanh nhân giàu số 1 trên thị trường chứng khoán và hiện đang đứng vị trí thứ 2 sau ông Vượng.

    le-viet-lam-1516869411.jpg
    3. Lê Viết Lam - Chủ tịch Tập đoàn Sun Group

    Ông Lê Viết Lam sinh năm 1969 tại Thanh Hóa. Ông là một trong những doanh nhân Việt khởi nghiệp từ Đông Âu. Năm 1993, ông cùng nhóm cựu sinh viên du học Nga thành lập Technocom. Tập đoàn này ban đầu kinh doanh lĩnh vực thức ăn đóng gói, chủ yếu là mì ăn liền với thương hiệu Mivina. Sản phẩm này từng chiếm 80 - 85% thị phần mì ăn liền tại Ukraine.

    Năm 2007, kinh tế Ukraine rơi vào suy thoái, ông Lam quyết định trở về đầu tư tại Việt Nam. Ngày 14/9/2007, Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà được thành lập. Hai năm sau, 2 tuyến cáp treo Suối Mơ – Bà Nà, Debay- Morin được đưa vào vận hành, chính thức mở ra khu quần thể vui chơi, nghỉ dưỡng mang tên Ba Na Hills, đồng thời ghi dấu bước chân đầu tiên của Sun Group tại Việt Nam.

    Bên cạnh Ba Na Hills, Sun Group đã ra mắt những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới cũng như Việt Nam như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Novotel Danang Premier Han River, Premier Village Danang Resort.

    Hiện nay, Sun Group đang triển khai loạt dự án bất động sản như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, Premier Village Phu Quoc Resort, Premier Residence Phu Quoc Emerald Bay, MGallery, Khu phức hợp vui chơi giải trí Vân Đồn, Quần thể vui chơi giải trí biển Hòn Thơm, Sơn Trà Ocean Park.

    ong-luong-tri-thin-2-1516870320.jpg
    4. Ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch HĐQT Đất Xanh Group (DXG)

    Sở hữu: 23.506.512 cổ phiếu, chiếm 7,76% tại DXG

    Giá trị tài sản hiện tại: 651 tỷ đồng

    Ông Lương Trí Thìn hiện đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Ðịa ốc Ðất Xanh. Năm 2003, Ông sáng lập nên Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng Ðịa ốc Ðất Xanh, tiền thân của Tập đoàn Ðất Xanh ngày nay.

    Với hơn 20 năm kinh nghiệm quản trị cùng những quyết định táo bạo, tầm nhìn xa và nắm bắt cơ hội kinh doanh, ông đã xây dựng nên thuong hiệu Ðất Xanh trở thành một thương hiệu bất động sản uy tín và lớn mạnh như ngày nay.

    Ðuợc đánh giá là chuyên gia am hiểu và nhạy bén với thị trường tài chính và bất động sản, ông Lương Trí Thìn không chỉ là một nhà quản trị giỏi, có tầm nhìn chiến lược, mà ông còn là biểu tượng của niềm đam mê công việc, hoài bão lớn và ý chí quyết tâm không ngừng nghỉ.

    Với người trong ngành, ông Thìn được biết đến là người có ảnh hưởng lớn đối với các hoạt động giao dịch trên thị trường bất động sản trên cả nước. Điển hình, năm 2017, Tập đoàn này bán được 22.108 sản phẩm, trong đó hơn 8.607 sản phẩm là do Đất Xanh đầu tư và hợp tác đầu tư. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phát triển thêm được hơn 500.000 m2 sàn xây dựng cho quỹ đất ngắn hạn và hơn 350ha cho quỹ đất dài hạn thông qua hình thức M&A.

    Về kế hoạch bán hàng 2018 trên toàn hệ thống, Đất Xanh đặt mục tiêu bán được trên 28.000 sản phẩm; trong đó khoảng 12.000 sản phẩm do Tập đoàn đầu tư trực tiếp; hơn 8.800 sản phẩm thứ cấp và khoảng gần 7.400 sản phẩm môi giới.

    Năm 2018 Đất Xanh sẽ triển khai đầu tư các dự án trên toàn quốc, chủ yếu là các thành phố lớn như TP.HCM, Đà Nẵng và lần đầu tiên đầu tư và phát triển dự án tại Hà Nội. Năm 2018 Đất Xanh sẽ tập trung phát triển các dự án với quy mô lớn, mỗi dự án triển khai hàng nghìn căn hộ.

    Mục tiêu của Đất Xanh trong vòng 10 năm tới là đạt mức vốn hóa khoảng 5 tỷ USD, tạo ra những xu hướng mới cho thị trường bất động sản. Trong đó chiến lược “phát triển quỹ đất vùng ven” để đón đầu thị trường được vị ông Thìn chuẩn bị từ nhiều năm nay. “Hiện nay quỹ đất tại TP.HCM đã bắt đầu khan hiếm, nhưng xét thị trường chung thì quỹ đất còn rất lớn, vì thế câu chuyện bất động sản của các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ giống như kịch bản vùng ven của TP.HCM 15 năm về trước”, ông Thìn nhận định.

    Không phải là một doanh nghiệp có quy mô cực khủng trên thị trường động sản nhưng với sự tăng trưởng rất nhanh và sức ảnh hưởng rộng của những doanh nghiệp ông Thìn đang trực tiếp hay gián tiếp nắm giữ cổ phần, CafeLand đánh giá Ông là một trong những doanh nhân có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường bất động sản năm 2017.

    ba-truong-my-lan-1516870582.jpg
    5. Bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Vạn Thịnh Phát

    Khác với nhiều vị doanh nhân có doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, tài sản của bà Trương Mỹ Lan không được biết một cách chính xác thông qua lượng cổ phiếu đang nắm giữ. Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan vẫn được xem là một doanh nhân có sức ảnh hưởng rất lớn trên thị trường bất động sản.

    Vạn Thịnh Phát sở hữu hoặc có liên quan đến các dự án đình đám, tọa lạc ở những khu đất vàng hoặc có quy mô lớn như: Time Square, khu đất tứ giác vàng mặt tiền phố đi bộ Nguyễn Huệ - đường Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế, Union Square, Saigon Peninsula. Mới đây Vạn Thịnh Phát cũng mua lại dự án Thuận Kiều Plaza sửa chữa và đổi tên thành The Garden Mall. Chưa dừng lại ở đó mới đây một số tin cho rằng bà Lan đang mua lại nhiều dự án lớn ở TP.HCM, trong đó đáng chú ý là dự án Phước Kiểng của Quốc Cương Gia Lai.

    Dù khá “kín tiếng” và khó xác định chính xác số tài sản, số dự án mà những công ty liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Lan đang sở hữu nhưng chúng tôi vẫn xếp doanh nhân Trương Mỹ Lan là một trong những doanh nhân có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường bất động sản trong năm 2017.

    ong-bui-thanh-nhon-1516869508.jpg
    6. Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL)

    Sở hữu: 145.715.656 cổ phiếu, tỷ lệ 22,67% tại NVL

    Giá trị tài sản hiện tại: 12.182 tỷ đồng

    Đi lên trong lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y, hiện tại ông Nhơn còn được biết đến là chủ một doanh nghiệp đang sở hữu rất nhiều dự án bất động sản rải khắp thành phố. Cột mốc đánh dấu cái tên NVL là vào năm 2013, lúc doanh nghiệp tuyên bố giá bán căn hộ Sunrise City (khu North Towers - giai đoạn 3) giảm mạnh so với trước đây. Việc giảm giá của NVL ít nhiều tạo nên “cú sốc” trên thị trường bất động sản bởi lẽ thời điểm đó, TP.HCM không có quá nhiều các sản phẩm thuộc phân khúc trung và cao cấp có cùng mức giá.

    Cũng chính trong giai đoạn thị trường trầm lắng, NVL đã tận dụng cơ hội để liên tục thực hiện thành công các thương vụ M&A lớn qua việc mua lại nhiều dự án đang dở dang để hoàn thiện.

    Tại thời điểm niêm yết trên HOSE vào cuối năm 2016, NVL trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 2 trong số những doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết tại HOSE, khoảng 1,6 tỷ USD.

    Hiện NVL đã và đang triển khai gần 30 dự án, trong đó có những dự án quy mô lớn như Sunrise City, The Sun Avenue, Lakeview City, The Prince, Icon 56, Galaxy 9, Lexington Residence, Golf Park, Lakeview City, Lucky Dragon… Có thể thấy, điểm chung của các dự án mà NVL đang phát triển đều thuộc dòng sản phẩm trung và cao cấp, nằm ở những vị trí đắc địa tại quận 4, quận 2, quận 9 hoặc Phú Nhuận... Bên cạnh đó, NVL cũng đẩy mạnh việc đa dạng hóa sản phẩm từ Biệt thự, nhà liền kề phố kết hợp ở với kinh doanh, trung tâm thương mại bán lẻ theo lô và cả căn hộ kết hợp với văn phòng (officetel).

    Có thể nói dù chỉ mới ra đời, nhưng NVL đã có những bước phát triển nhanh chóng và trở thành một thương hiệu lớn trong ngành bất động sản.

    ong-nguyen-dinh-trung-1516870809.jpg
    7. Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hung Thinh Corp

    Dù là doanh nghiệp chưa niêm yết nhưng Hung Thinh Corp là một trong những cái tên nổi bật trên thị trường địa ốc TP.HCM.

    Sinh năm 1972 tại miền Bắc nhưng có tuổi thơ khó khăn ở Hoài Nhơn, Bình Định, đầu những năm 1990, ông vào TP.HCM học đại học ngành kế toán rồi ra trường đi làm công. Với niềm đam mê và nhiệt huyết, năm 2002, bằng số tiền ít ỏi tích lũy từ việc đi làm thuê, ông quyết định mở công ty nhỏ về môi giới bất động sản với số vốn ban đầu khoảng 6 tỷ đồng và đội ngũ gần 40 nhân viên.

    Đến nay sau 16 năm, ông Nguyễn Đình Trung với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hung Thinh Corp đã lãnh đạo Hưng Thịnh đạt được nhiều thành công, mở rộng hoạt động kinh doanh của tập đoàn với 18 công ty thành viên, 3 văn phòng đại diện, 8 sàn giao dịch cùng hơn 2.000 nhân sự hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả ở các lĩnh vực đầu tư, thiết kế, xây dựng, nội thất, phân phối và đã phát triển thành công hơn 30 dự án với hàng chục ngàn căn hộ, nhà phố, Biệt thự trên khắp cả nước.

    Với sản phẩm đa dạng cùng mức giá hợp lý, hiện mỗi năm Hưng Thịnh đưa ra thị trường khoảng 5.000 – 7.000 sản phẩm và luôn được đông đảo khách hàng đón nhận.

    ba-nguyen-thi-phuong-thao-1516871264.jpg
    8. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sovico

    Sở hữu 35.961.580 cổ phiếu, chiếm 3,67% tại HD Bank, 39.559.095 cổ phiếu, chiếm 8,76% tại VietJet, 100% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny, đơn vị đang nắm giữ 128.950.134 cổ phiếu VietJet, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sovico

    Giá trị tài sản hiện tại 33.056 tỷ đồng

    Được biết đến là tỷ phú hàng không với hãng hàng không giá rẻ VietJet Air, thế nhưng sự hiện diện của bà Thảo trên thị trường bất động sản không vì thế mà mờ nhạt.

    Công ty cổ phần Sovico do bà làm Chủ tịch HĐQT đang là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản quy mô lớn. Dấu ấn đậm nét của doanh nghiệp này chính là dự án Dragon City do Công ty cổ phần địa ốc Phú Long (thành viên của Sovico) đầu tư xây dựng trên diện tích 65ha, trải dài tại mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, TP.HCM. Sau thành công của dự án này, Phú Long tiếp tục hợp tác phát triển Dragon Riverside City tại quận 5, TP.HCM . Ngày 6/1/2018, Phú Long chính thức “chào sân” khu Đông Sài Gòn với dự án Dragon Village tại quận 9.

    Sovico cũng đã mua lại Khu nghỉ dưỡng 5 sao hàng đầu Việt Nam là Furama Resort Danang và vận hành hiệu quả khu nghỉ dưỡng trong nhiều năm qua. Sovico Holdings tiếp tục mua lại Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara và An Lâm Ninh Vân Bay tại Khánh Hòa. Ngoài ra, Sovico Holdings cũng đang xúc tiến đầu tư các khu nghỉ dưỡng ở đảo Phú Quốc và bán đảo Cam Ranh. Mới đây có nhiều thông tin cho rằng Sovico đang mua 50% An Khánh JVC - chủ đầu tư dự án Khu đô thị Bắc An Khánh (Splendora) 264ha.

    Như vậy, dù không được biết đến nhiều với tư cách là một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản nhưng trên thực tế sức ảnh hưởng của bà Thảo trên thị trường bất động sản vẫn rất lớn.

    mr-duong-1516871363.jpg
    9. Ông Trần Bá Dương - Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh

    Ông Trần Bá Dương hiện là: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THA); Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh và là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Trân Oanh.

    Năm 2017, Trường Hải hoàn thành việc mua lại gần 100% cổ phần công ty Đại Quang Minh. Ông Dương gián tiếp sở hữu một lượng lớn cổ phiếu công ty có trị giá hàng tỷ USD này.

    Đại Quang Minh được biết đến là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Sala trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 130,39 ha. Đây được xem là một trong những dự án quy mô bậc nhất tại khu vực Thủ Thiêm.

    Doanh nghiệp này cũng đang thực hiện các dự án BT gồm dự án 4 tuyến đường chính, dự án Quảng trường Trung tâm và Công viên Bờ sông, Cầu Thủ Thiêm 2 và Cầu đi bộ.

    Ông Trần Bá Dương vốn được biết nhiều với tư cách là ông chủ của Trường Hải, công ty lớn bậc nhất trong lĩnh vực ô tô Việt Nam. Ông cũng được xem là người mới trong lĩnh vực bất động sản và cũng mới chỉ thực hiện dự án duy nhất là đô thị Sala. Tuy nhiên, với tầm vóc một dự án có trị giá trên 2 tỷ USD và án ngữ tại một vị trí đắc địa bậc nhất TP.HCM chúng tôi vẫn xếp ông Dương vào nhóm doanh nhân có mức độ ảnh hưởng lớn trong giới bất động sản.

    ong-quang-1516869656.jpg
    10. Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG)

    Sở hữu: 23.418.923 cổ phiếu, chiếm 14,9% tại NLG

    Giá trị tài sản hiện tại: 839 tỷ đồng

    Ông Quang tốt nghiệp trường đại học Kiến trúc TP.HCM năm 1983. Sau đó chàng kiến trúc sư xin được một chân tại Viện thiết kế và quy hoạch phân hiệu phía Nam. Thế nhưng có ấp ủ tìm một nơi có “cảm hứng để làm việc và cống hiến”, ông Quang xin nghỉ việc nhà nước, đi xây nhà thuê để kiếm tiền.

    Sau khi kinh qua nhiều công việc và cũng từng nếm “trái đắng”, Công ty Nam Long ra đời năm 1992. Từ số nhân sự chỉ đếm trên đầu ngón tay, sau 25 năm Nam Long đã có hơn 500 nhân viên quản lý, chưa kể đội ngũ thi công các dự án lớn của Nam Long khắp khu vực phía Nam.

    Hiện nay, chỉ cần nhắc tên Nam Long, người ta sẽ nghĩ ngay đến nhà phát triển bất động sản “vừa túi tiền” với chuỗi dự án Ehome. Bên cạnh các sản phẩm “vừa túi tiền”, công ty cũng có những dự án cao cấp như khu Biệt thự Nam Phú, khu Biệt thự Thảo Nguyên Sài Gòn, khu nhà phố thương mại Nam Thông, các khu Biệt thự Valora Fuji, Valora Kikyo. Trong 3 năm tới, Nam Long dự kiến ra mắt thị trường 17.000 sản phẩm thuộc các dòng EHome, Flora, Valora và ba khu đô thị quy mô lớn.

    Có thể nói Nam Long là một trong những doan nghiệp tiên phong xây dựng căn hộ có mức giá trung bình và cung ra thị trường một lượng rất lớn.
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 25/1/18
    #1

Chia sẻ trang này

Thiết kế Website giá rẻ