Về tay chủ mới, số phận dự án HPC Landmark 105 vẫn long đong

Thảo luận trong 'Tin tức - Thị trường bất động sản' bắt đầu bởi admin, 3/1/18.

  1. admin
    Việc Tòa CT2 - 105 thuộc dự án khu đô thị Usilk City về tay Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô đem lại hy vọng sáng sủa cho dự án lay lắt gần 10 năm qua. Tuy nhiên, xung quanh dự án này vẫn còn nhiều câu hỏi cần làm rõ, đặc biệt là việc giải quyết quyền lợi của khách hàng cũ, đã ký hợp đồng mua bán và nộp tiền mua nhà cho Sông Đà Thăng Long.

    hp_sqyq.jpg

    Rắc rối phạm vi hợp đồng

    Cuối tháng 3/2017, UBND TP. Hà Nội có quyết định cho phép Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (STL) chuyển nhượng một phần dự án khu đô thị mới Văn khê mở rộng (Usilk City) là tòa CT2-105 cho Hải Phát Thủ đô sau gần 1 năm rưỡi thương vụ này được tiến hành.

    Sau khi nhận chuyển nhượng, Hải Phát Thủ đô đổi tên dự án thành HPC Landmark 105, đẩy nhanh triển khai để hoàn thành dự án bị đắp chiếu nhiều năm nay. Tuy nhiên, xung quanh thương vụ này vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

    Theo tìm hiểu của phóng viên, từ cuối 2014, Hải Phát Thủ đô bắt đầu có ý định mua lại và tái khởi động dự án Usilk City. Sau đó, hai bên đã nhiều lần gặp gỡ và đề ra phương án hợp tác chiến lược tiếp tục triển khai dự án.

    Đến giữa tháng 10/2015, STL và Hải Phát Thủ đô ký hợp đồng về chuyển nhượng tòa CT2 - 105; đối với các phần việc cần hoàn thiện còn lại của các tòa 101, 102, 103 thuộc cụm CT1 tiến hành ký hợp đồng tổng thầu; đối với Tòa 104 - CT1, 2 công ty ký hợp đồng về thỏa thuận chuyển nhượng; đối với tòa 106, 107 - cụm CT3, ký hợp đồng tổng thầu; đối với Tòa 108 thuộc cụm CT4, hai công ty đồng thuận cơ bản về phương án để Hải Phát Thủ đô nhận chuyển nhượng và đầu tư tiếp.

    Đối với việc chuyển nhượng dự án CT2-105 theo hợp đồng đã ký kết ngày 14/10/2015, tài liệu mà phóng viên tìm hiểu được cho biết, phạm vi chuyển nhượng theo nội dung hợp đồng bao gồm Quyền sử dụng đất Khu đất CT2- 105 nằm trong dự án theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp; hạ tầng kỹ thuật gắn liền với khu đất phần dự án chuyển nhượng; quyền phát triển dự án của khu đất phần dự án chuyển nhượng và toàn bộ tài sản đã đang và sẽ hình thành trên khu đất phần dự án chuyển nhượng…

    Hải Phát Thủ đô chỉ kế thừa từ bên chuyển nhượng về khoản vay phục đầu tư xây dựng tòa nhà CT2 - 105 của STL tại Ngân hàng MB - chi nhánh Mỹ Đình, đồng thời chỉ thanh toán thay STL khoản công nợ với Công ty cổ phần Sông Đà Nha Trang (đơn vị nhà thầu) đã thi công tại tòa CT2 - 105 giá trị thanh toán tối đa là 48 tỷ đồng…

    Ngoài ra, Hải Phát Thủ đô kế thừa, tiếp nhận danh sách 315 hợp đồng mua bán nhà ký bởi STL, Công ty Sông Đà Nha Trang và 20 hợp đồng mua bán liên quan đến Công ty Sông Đà Việt Hà tại Tòa 105 với số tiền khách hàng đã thanh toán là gần 493 tỷ đồng.

    Tổng giá trị chuyển nhượng của hợp đồng ký kết giữa Hải Phát Thủ đô và STL theo tài liệu là 50 tỷ đồng.

    Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng tòa CT2-105, Hải Phát Thủ đô đã thanh toán cho STL 50 tỷ đồng, Công ty Sông Đà Nha Trang 48 tỷ đồng, trả nợ thay STL tại Ngân hàng MB 80 tỷ đồng, tiếp nhận mặt bằng và tiến hành thi công.

    Mặc dù đã ký kết hợp đồng từ 14/10/2015, nhưng đến ngày 24/10/2015, STL và Hải Phát Thủ đô mới tổ chức họp với các khách hàng mua nhà tại tòa 105 để xin ý kiến chuyển nhượng. Mãi tới ngày 29/6/2016, UBND thành phố mới có văn bản chấp thuận chủ trương theo đề xuất của Sở Xây dựng về việc cho STL thực hiện thủ tục chuyển nhượng tòa CT2-105 cho Hải Phát Thủ đô.

    Ai sẽ chịu trách nhiệm với quyền lợi người mua nhà cũ?

    Một vấn đề cũng được quan tâm là việc kế thừa nghĩa vụ và trách nhiệm của Hải Phát Thủ đô với những khách hàng đã ký kết hợp đồng mua nhà tại dự án này.

    Theo tìm hiểu của phóng viên, tổng số khách hàng mua nhà tại dự án này là hơn 400 người, trong đó một nửa là STL trực tiếp ký hợp đồng và nửa còn lại thông qua Sông Đà Nha Trang và một số đơn vị có liên quan. Trong khi đó, kết quả buổi tổ chức họp với các khách hàng ngày 24/10/2015, chỉ có 171 khách hàng tham gia đồng ý chuyển nhượng dự án.

    Ngoài ra, sau khi Hải Phát Thủ đô trở thành chủ đầu tư mới của dự án, thì câu hỏi đặt ra là quyền lợi của các khách hàng cũ sẽ được chủ đầu tư mới kế thừa ra sao?

    Ngày 31/3/2017, STL đã có Văn bản số 67/TB-KD về việc chuyển nhượng dự án CT2-105 và mời khách hàng đến ký Phụ lục hợp đồng mua bán liên quan đến việc chuyển đổi chủ đầu tư dự án CT2-105 từ ngày 5/4/2017 đến ngày 20/4/2017.

    Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đã có nhiều khách hàng từ chối ký phụ lục hợp đồng vì cho rằng, các phương án mới mà Hải Phát Thủ đô đưa ra là không tôn trọng quyền lợi của khách hàng cũ, bởi mức thỏa thuận mà Hải Phát Thủ đô đưa ra quá thấp so với thời điểm ban đầu mà khách hàng ký kết với STL.

    Nếu tiếp tục đóng tiếp sẽ thiệt thòi cho người mua nhà, do đó nhiều người không đồng ý và yêu cầu đòi lại tiền, nhưng không được chấp thuận.

    Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, căn cứ theo khoản 4 Điều 12 Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản 2014: "Trường hợp khách hàng hoặc các bên có liên quan có ý kiến về quyền lợi của mình liên quan đến dự án hoặc một phần dự án chuyển nhượng, thì chủ đầu tư chuyển nhượng có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng".

    Điều này cũng được thể hiện rõ trong Điều 3, Điều 4 Quyết định 1983 của UBND TP.Hà Nội, theo đó: "STL có trách nhiệm phối hợp với Hải Phát Thủ đô giải quyết các quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và các bên có liên quan đối với phần dự án chuyển nhượng theo đúng nội dung đã cam kết tại Biên bản họp với đại diện của các khách hàng mua nhà ngày 24/10/2015, Văn bản số 103SĐTL/CV-CT-2016 ngày 16/5/2016, Văn bản số 108/SĐTL-CV-2016 ngày 17/5/2016, Bản giải trình và cam kết ngày 22/2/2017”.

    Luật sư Phượng cũng cho biết, trường hợp khách hàng hoặc các bên liên quan có ý kiến về quyền lợi của mình liên quan đến dự án, thì STL có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án. Trong hồ sơ trình UBND cấp tỉnh, cấp huyện cho chấp thuận việc chuyển nhượng có kê khai đầy đủ về số tiền huy động vốn, tình hình bán nhà của dự án chuyển nhượng.

    Như vậy, có thể hiểu rằng, việc STL và Hải Phát Thủ đô có trách nhiệm giải quyết, đáp ứng các quyền lợi của khách hàng sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết của việc ký hợp đồng chuyển nhượng tòa nhà CT2-105.

    Nếu 2 doanh nghiệp này không giải quyết được quyền lợi của khách hàng, thì khả năng việc chấp thuận chuyển nhượng sẽ không còn hiệu lực và số phận dự án sẽ lại phải đắp chiếu. Khi đó, không những thiệt hại cho khách hàng, mà cả cho STL và Hải Phát Thủ đô.

    Được biết, ngày 5/07/2017, Hải Phát Thủ đô đã ký giấy ủy quyền cho Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội để đơn vị này thay mặt Hải Phát Thủ đô ký kết các văn bản, hồ sơ, giấy tờ, tài liệu cần thiết giữa khách hàng với chủ đầu tư cũ và chủ đầu tư mới liên quan đến việc chuyển giao chủ thể từ STL sang Hải Phát Thủ đô tại dự án CT2-105.

    Liên quan việc giải quyết các khúc mắc của khách hàng, Báo Đầu tư Bất động sản đã liên hệ với ông Phạm Thanh Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội để tiếp tục thông tin tới độc giả trong số báo tiếp theo.
     
    #1
    minhbincntt thích bài này.

Chia sẻ trang này

Thiết kế Website giá rẻ